Cảm ơn anh về nhà an toàn sau mỗi ngày làm việc!

Cơm chín rồi mà anh vẫn chưa về. Ngồi trước thềm nhà đợi anh, chị nhẩm tính… Nhanh thật! mới rộn ràng mấy ngày Tết, quay đi quay lại giờ đã qua cuối tháng 4- tháng sinh nhật anh cũng là tháng bắt đầu những ngày vất vả với công việc đặc thù của chồng chị.

Anh là công nhân ngành điện, gắn bó với nghề ngót nghét đã hơn 20 năm. Với đồng nghiệp, anh là người lính vận hành đường dây dày dặn kinh nghiệm, yêu ngành và hết lòng vì công việc. Còn với mẹ con chị, anh không chỉ là người chồng, người cha tốt, yêu vợ, thương con, anh còn là tấm gương về sự cần cù, chịu khó, một người sống hết sức trách nhiệm với bản thân và gia đình.
 
Người ta nói, chồng chị có công việc “ngon lành”, cuộc sống ổn định, gia đình hạnh phúc, chị sướng quá! Đúng vậy, điều này chị thấy hoàn toàn không sai. Với thu nhập của anh là thợ lành nghề bậc 7/7, anh không bia rượu, thuốc lá hay có những đam mê, thú vui gì thì đồng lương đó cộng với thu nhập chị bán buôn lặt vặt đủ để anh chị trang trải cuộc sống và nuôi hai con ăn học. Cuộc sống là vô biên nên chị thấy hài lòng, thỏa mãn lắm rồi. Thế nhưng, có ai hiểu được nỗi vất vả, nguy hiểm trong công việc của chồng chị? Có lẽ, chỉ những trong ngành cũng như người thân của họ mới thấu hiểu và trải qua những cung bậc cảm xúc đặc biệt đối với công việc mà chồng chị đang làm.
 
Dễ thấy, cảm giác thường trực của người thợ điện đó chính là niềm hạnh phúc, tự hào khi mình đang ngày đêm góp công, giúp sức mang lại nguồn sáng cho mọi nhà. Hay nói đúng hơn sự vất vả, khổ cực của họ được đáp đền khi những đổi thay của xã hội có dấu chân những con người đang miệt mài ngày đêm, nỗ lực biến những điều giản đơn trở thành to lớn. Mấy ai biết, đằng sau nguồn “ánh sáng diệu kỳ” đó, chồng chị và những người đồng nghiệp của anh hàng ngày, hàng giờ tiếp xúc với hiểm nguy, đối mặt với những sự cố, rủi ro, chỉ cần một sơ suất nhỏ, một thoáng mất tập trung đôi khi đánh đổi bằng cả tính mạng và sự mất mát…
 
Quê anh chị ở dải đất miền Trung “gió lào cát trắng” - nơi nắng gió, bão lụt luôn được coi là đặc sản - món đặc sản mà chẳng ai muốn thưởng thức! Giờ tan tầm, giữa cái nắng hơn 40 độ C, ngồi trong ô tô bật điều hòa hết độ vẫn “rát bỏng”, người chạy xe máy thì trùm kín bưng từ dưới lên trên, rú ga vội vã, mong về đến nhà để uống ly nước mát, bật cái điều hòa, nằm lăn ra cho khỏe rồi muốn làm gì thì làm… Quạt bật vù vù vẫn bức bối, tắm bao nhiêu lần vẫn chưa thỏa! Ấy vậy mà giờ đó chồng chị vẫn “làm bạn” với nắng, bộ quần áo cam của các anh vẫn chon von trên cột điện, miệt mài vặn từng ốc vít, lần tìm từng múi dây, siết lại cái vành đai hộp cho an toàn… trong đầu chỉ một mong muốn duy nhất đó là  “mau chóng cấp điện trở lại cho khách hàng sử dụng”. 
 
Khát khô cổ, cháy khét da, những giọt mồ hôi trán chảy vào mắt cay xè, đưa tay áo quẹt ngang rồi lại dán mắt vào công việc, mặc kệ dưới kia bao người hối hả… 
 
Những lúc đó được uống ngụm nước mát hay có cái khăn lạnh “áp” lên mặt thì sảng khoái biết bao! Thế nhưng không chậm trễ được, khách hàng đang nóng ruột chờ có điện, anh em lại phải tăng tốc, khẩn trương. Nhiều hôm về nhà người anh bốc mùi, mồ hôi như tắm, mặt đen láng như “Bao Công”, nhìn anh, chị nhói lòng vừa thương, vừa xót…
 
Mùa hè là thế nhưng vẫn không so sánh được với mùa mưa bão. Bão đến, mưa về, mức độ rủi ro, nguy hiểm với công nhân ngành điện càng lớn. Những lúc đó, các anh phải tập trung tinh thần cao độ, đặt an toàn lưới điện và người dân lên trên hết. Ngành điện mà, đặc thù thế! Biết vậy nhưng an toàn của chồng lại là điều mà bất cứ người vợ nào như chị đều lo lắng. Cứ mỗi lần tin bão về, bão bao nhiêu “cấp” lòng người vợ bấy nhiêu bậc. Ngồi trong nhà chỉ biết cầu mong cơn bão mau qua, thiệt hại hạn chế tối đa để chồng mình bớt vất vả, vật lộn. Việc nhà trao cả lên vai vợ, anh lại sửa soạn tư trang, đồ nghề lên đường đi giữ đường dây, cột điện. Bão tan rồi cảnh tượng hoang tàn, cột điện ngỗn ngang, đường dây chằng chịt trên cây, dưới đất. Còn đâu những “cung đàn đường dây” đẹp như trong câu hát? Còn đâu những dãy cột điện thẳng tắp, oai phong? Anh nhà chị lại cơm hộp “nguội ngắt” ngay dưới chân cột điện, ăn vội vàng để tiếp tục hành trình đi phục hồi “tuyến” khác. Tối về đến nhà mệt nhoài, cơm không nuốt nổi, uống vội bát canh rồi lăn ra ngủ chẳng biết gì trời đất. Chắc rằng trong giấc ngủ anh lại mơ thấy cột điện ngỗn ngang trên đồng ruộng, những đường dây rối như “tơ vò” đang chờ đợi anh…
 
Đang miên man trong nỗi niềm lo lắng, mùa mưa bão sắp đến, mùa dịch bệnh lại đang hoành hành phức tạp, công việc của anh lại càng vất vả hơn… chị chợt nghe thấy tiếng xe anh về đầu ngõ. Chiếc Dream cũ đã đến thời thanh lý vẫn đồng hành cùng anh qua ngọn đồi nọ, cánh đồng kia. Chiếc xe mà xóm nhỏ này thường ví là “máy cày” nhà ông Thắng. Còn riêng với chị, tiếng nổ đó quen thuộc và yên bình biết chừng nào bởi chị hiểu khi tiếng nó phát ra có nghĩa là anh đã trở về nhà an toàn sau ngày làm việc. 
 
Nhìn đi nhìn lại anh mang gì cũng không đẹp bằng bộ quần áo thợ điện, cũng chẳng gì gần gũi với chị bằng chiếc dây da và túi đồ nghề lềnh kềnh chỉ toàn bu lông, ốc vít của anh. Tất cả đó mới quen thuộc, thân thương, đáng trân quý làm sao trong hành trang của người thợ điện. Những lo lắng, nghĩ suy của chị bỗng tan biến khi chiếc “áo vàng” của anh về đến nhà. Đen cũng được, xấu cũng chẳng sao, mồ hôi hay dầu máy cũng không quan trọng, miễn là tiếng xe của chồng chị vẫn nổ thật giòn trong xóm nhỏ thân yêu, với chị đó là an toàn, là hạnh phúc.
 
Nguồn Internet